Đà Lạt đã bước qua tuổi 120. Thiên nhiên ban tặng cho thành phố này nhiều điều kỳ thú. Song, những nét riêng tạo nên “thương hiệu” Đà Lạt là gì?
Trong phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy sắc thái địa phương trong xây dựng - phát triển TP Đà Lạt”, do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp Trường Đại học Đà Lạt tổ chức ngày 6-9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng: “Phải tập trung đi sâu luận giải và làm rõ các yếu tố nhân văn đặc sắc, những yếu tố, bản sắc - sắc thái văn hóa đặc trưng, đặc thù của Đà Lạt. Trên cơ sở đó, đề đạt những cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả sắc thái của địa phương…”.
Tìm “nét riêng” Đà Lạt
Với sự tham gia của các GS, TS từ Đại học Đà Lạt; các nhà khoa học tỉnh Lâm Đồng, hội thảo được xác định có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại địa phương về đề tài này. Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, đây là sự khởi đầu cho những chương trình nghiên cứu mới, có quy mô lớn hơn trong tương lai giữa các nhà khoa học cùng chung một địa bàn sinh sống”
Du khách đến với thành phố hoa – Đà Lạt.
Nhiều nhà khoa học quan tâm đến thế mạnh về môi trường sinh thái - nhân văn của Đà Lạt. Trước hết, đó là thành phố mang phong cách của một “trung tâm nghỉ mát phương Tây”, với quy hoạch độc đáo “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, và mảng màu kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với nhiều phong cách và sắc thái khác nhau, trải qua sự sàng lọc nghiêm khắc của thời gian đã tỏ rõ tính ưu thắng, tạo nên thương hiệu “Đô thị di sản kiến trúc Đà Lạt”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Nguyễn Văn Hương cho rằng, khi nói về Đà Lạt, từ trước tới nay mọi người thường nói nhiều, luận bàn nhiều về rừng, về thác, hoa, biệt thự và khí hậu… Nhưng, ít ai để ý đến “cái gạch nối” giữa những giá trị ấy và con người Đà Lạt. Bởi, xứ này là nơi hội tụ của nhiều người từ tứ xứ, tổng hợp các tinh hoa nhiều vùng, miền để hình thành bản sắc. Từ thuở xưa, nơi đây đã là quê hương lâu đời của người Lạch. Người Pháp trong ý đồ tìm kiếm cho mình nơi nghỉ dưỡng đã đến Đà Lạt, kiến tạo thành phố này... và dấu xưa còn đó. Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đóng góp sức lực, ý chí lớn lao trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất họ chọn làm quê hương.
Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã “đúc” thành một “mẫu người Đà Lạt” có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi… Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt, nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị.
Trong một bài viết của Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), ông cho rằng, nói đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường.
Phải chăng, khi nhắc đến Đà Lạt, nhiều người nghĩ ngay đến sắc thái thiên nhiên làm nên “thương hiệu” thành phố du lịch, “mảng màu” kiến trúc phương Tây để gọi tên “đô thị di sản kiến trúc”, sắc thái văn hóa dân tộc bản địa và văn hóa cộng đồng cư dân “đa văn hóa” tựu trung thành “phong cách người Đà Lạt”!
Đà Lạt là thế, “đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành”. Đó là thành phố đáng sống khi Đà Lạt được “chăm chút” nhiều hơn.
Phân vân
Đà Lạt hôm nay đã trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đã được khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc gia và quốc tế. Trong tương lai, Đà Lạt sẽ là “thành phố vườn” theo ý tưởng của chuyên gia kiến trúc người Pháp và “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” theo gợi ý của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho các chuyên gia quy hoạch đô thị, cùng những ý tưởng khác nữa… trong đồ án “quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến, trong quá trình phát triển và xu thế đô thị hóa hiện nay, Đà Lạt đang đứng trước những thách thức và mâu thuẫn cần phải giải quyết, đó là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, mối quan hệ giữa giữa bảo tồn và phát triển, giữa yêu cầu và khả năng nguồn lực, giữa hiện hữu và tương lai...
Đà Lạt đang có nhiều cơ hội để phát triển nhưng vẫn còn không ít thách thức, việc quản lý đô thị chưa đi vào nề nếp, nhiều căn nhà xây mới không theo quy hoạch đã phá vỡ bố cục của tổng thể chung, những rừng thông đang nhường chỗ cho các dự án, rừng nội ô và các vùng phụ cận bị tàn phá để lập vườn, làm nhà. Quá trình phát triển của Đà Lạt, nhất là từ khi đất nước mở cửa và hội nhập đã làm nhiều giá trị văn hoá phi vật thể biến đổi, những giá trị văn hoá vật thể chịu sức ép ngày càng lớn của quá trình đô thị hoá; tiềm năng, các giá trị văn hoá của Đà Lạt chưa được khai thác một cách triệt để và bền vững.
Mức độ tồn tại của nhiều giá trị văn hóa ở Đà Lạt hiện nay cho thấy, khía cạnh giá trị phi vật thể chứa đựng trong di sản chưa được quan tâm đúng mức, hoặc quan tâm không đồng bộ. Những nguyên tắc cơ bản để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch là bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa thấm sâu vào đời sống xã hội.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Văn Hương cho rằng, hiện trạng về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện nay ở Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Sản phẩm du lịch vẫn dựa chủ yếu vào sự ưu đãi của sinh thái tự nhiên, trong khi sinh thái nhân văn, tài nguyên du lịch là các giá trị văn hóa bản địa ngày càng mờ nhạt.
Bên cạnh đó, nhiều nhà tư vấn trong và ngoài nước về quy hoạch chung thành phố Đà Lạt phân vân, vấn đề đặc điểm khí hậu rất quan trọng vì đó là bản sắc của Đà Lạt, mà điều này rất mong manh. Phát triển nông nghiệp trong đô thị tại Đà Lạt đang làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên và môi trường, do đó phải nghiên cứu chuyển thành một loại hình nông nghiệp đô thị; các mảng xanh và không gian mở chưa kết nối được thành không gian cảnh quan. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong thời gian qua đang là một thách thức, khi khu vực lịch sử của Đà Lạt đã đạt đến ngưỡng sức chịu tải.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đây không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt, mà cần hơn bao giờ hết khả năng tư duy sáng tạo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người tâm huyết, gắn bó với các giá trị văn hoá, xã hội của Đà Lạt.
Làm thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc, sắc thái văn hóa địa phương? Đó là vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển của TP Đà Lạt hôm nay và trong tương lai.