Hiện tượng nông dân bỏ ruộng ở nhiều tỉnh, thành thời gian qua đã tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, đồng thời cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Gần đây tại một số tỉnh, thành phía Nam còn xảy ra hiện tượng nông dân đốn bỏ hàng loạt ha ca cao do giá xuống thấp. Hai hiện tượng khác nhau nhưng cùng chung một vấn đề: Đó là người nông dân đã không còn muốn gắn bó với những vườn cây, ruộng lúa. Đó là thực tế cần phải báo động.
Nguy cơ xóa sổ diện tích cacao
Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 10.000 ha cacao, được coi là "thủ phủ” của loại cây này, song thời gian gần đây, người ta đang chứng kiến nông dân tỉnh Bến Tre đốn bỏ hàng loạt ha cacao để chuyển sang trồng loại cây khác, với lý do giá cacao bị rớt quá thấp. Nhiều nông dân ở huyện Giồng Trôm - huyện có diện tích cacao nhiều nhất tỉnh Bến Tre, cho biết, giá cacao hiện nay đang xuống đến mức nếu cứ tiếp tục "bám” vào loại cây này thì họ sẽ lỗ nặng. Giá cacao hiện chỉ ở mức 3.000 đồng/kg quả tươi trong khi bưởi da xanh giá cao gấp hơn 10 lần (35-40.000/kg), nên việc họ chặt bỏ cây cacao để trồng bưởi hoặc những cây có giá trị kinh tế cao hơn là điều dễ hiểu.
ảnh: Hoàng Long
Việc chặt bỏ cacao hàng loạt không chỉ diễn ra ở tỉnh Bến Tre, mà tại tỉnh Bình Phước, hiện tượng nông dân đốn bỏ cacao để chuyển sang trồng cây khác cũng đang rất đáng báo động. Và cũng với lý do duy nhất, đó là giá trị kinh tế của cây cacao đã không còn đủ sức hấp dẫn người nông dân trong khi nhiều loại cây khác mang lại lợi nhuận cao hơn. Điều này phơi bày một thực tế là người nông dân đang quay lưng lại với những thành quả lao động mà phải mất rất nhiều năm họ mới gây dựng được. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, cây cacao được mệnh danh là cây trồng "xóa đói giảm nghèo” cho người nông dân vì mức độ đầu tư thấp, lại thu hoạch trái quanh năm. Thế nhưng, với tình trạng diện tích cacao đang bị thu hẹp dần, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ "xoá sổ”, chắc chắn sẽ gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa bàn nhiều tỉnh phía Nam.
Cùng trong thời gian này, đang diễn ra việc người nông dân nhiều địa phương bỏ đất, bỏ ruộng, không mặn mà với cây lúa cũng vì một lý do: trồng lúa không mang lại lợi nhuận cao bằng việc đi làm thuê ở nơi khác. Một người nông dân sau khi đã quyết định rời bỏ đồng ruộng để lên thành phố kiếm việc làm thêm đã tính toán: trung bình, một mùa lúa, mỗi sào ruộng, nông hộ phải đầu tư từ trên 1 triệu – 1,5 triệu đồng cho việc thuê máy cày, bừa, lo mua phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, mua lúa giống… Đó còn chưa kể tiền thuế thủy lợi tăng cao, khiến người nông dân phải gánh quá nhiều chi phí cho ruộng lúa. Và như vậy, đến khi thu hoạch, giá bán lúa bán được cũng chỉ tương đương với tiền đầu tư bỏ ra, thậm chí thua lỗ nếu bị chuột cắn lúa hoặc thiên tai tàn phá. Trong khi nếu đi lên thành phố làm thuê, một người có thể thu nhập được 3 – 4 triệu đồng/ tháng, mà không phải lúc nào cũng trong cảnh nơm nớp lo thiên tai, dịch bệnh tàn phá vụ mùa.
Trên cánh đồng - Ảnh: Hoàng Long
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích đất canh tác nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa) bị bỏ hoang trung bình mỗi tỉnh khoảng 100ha. Chỉ tính ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung, đã có tới 6 tỉnh có nông dân bỏ ruộng, thậm chí trả lại ruộng, tổng diện tích khảo sát sơ bộ lên tới gần 1000ha.
Quay trở lại với thực trạng người nông dân các tỉnh phía Nam đốn hạ cây cacao để trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, và nhìn vào hiện tượng người nông dân bỏ ruộng hàng loạt, có thể thấy, hai hiện tượng tuy không giống nhau nhưng lại cùng chung một vấn đề, đó là người nông dân đã và đang quay lưng lại với những vườn cây, đồng ruộng đã bao bao nhiêu năm gắn bó. Điều này càng khẳng định thêm một thực tế rằng, cuộc sống của người nông dân vẫn chưa bao giờ hết khó khăn, họ không thể trụ được với chính những sản phẩm do bàn tay họ làm ra.
Chính vì không làm chủ được mảnh ruộng của mình, nên mọi niềm tin và hy vọng của người nông dân ngày càng mai một. Và khi những khoảng diện tích cacao ngày càng bị thu hẹp, thậm chí có thể "xóa sổ”, khi diện tích những đồng ruộng bị bỏ hoang hóa ngày một lớn dần… điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam?
* Trung bình mỗi tỉnh hiện có khoảng 100ha đất canh tác bị bỏ hoang
---------------------
Đánh giá của Bộ NN& PTNT, có 6 nguyên nhân dẫn đến nông dân trả ruộng, bỏ ruộng đất, đó là: Do thiếu lao động, chuyển nghề đi làm việc khác; giá vật tư cao, chi phí sản xuất cao; giá bán nông sản thấp hoặc không bán được nông sản, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất nông nghiệp quá khó khăn (thiếu nước, đất xấu, hộ gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất); do công nghiệp hóa, đô thị hóa (ô nhiễm môi trường, tưới tiêu) và chính sách về đất đai.